Hậu Giang: Nâng tầm gạo sạch Vị Thủy
Sản xuất lúa sạch là một trong những mô hình đột phá
được ngành chức năng tỉnh và huyện Vị Thủy triển khai mang lại hiệu quả cho người dân.
Với việc áp dụng nghiêm ngặt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” đang tạo uy tín lớn về chất lượng trên thị trường; đặc biệt khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh thì thương hiệu càng vươn xa.
Làm lúa không chất hóa học
vị đang tạo ra sản phẩm mang thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” là hợp tác xã (HTX) Tân Long, ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Hiện HTX có 51 thành viên, với 59ha đất chuyên sản xuất lúa. Điều đáng quan tâm là toàn bộ bà con xã viên của HTX đều áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm khi không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất hóa học mà thay vào đó là sử dụng toàn bộ bằng chất hữu cơ.
Chia sẻ về quy trình canh tác để tạo ra sản phẩm gạo sạch, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, cho biết: “Trước khi xuống giống lúa, bà con đều xử lý đất rất kỹ và xịt thuốc diệt mầm cỏ dại rồi bỏ đất nằm yên 7 ngày mới tiến hành gieo sạ nhằm cách ly với thuốc hóa học. Mặt khác, hạt giống cũng được ngâm và lên mộng tự nhiên, không dùng chất kích thích nảy mầm ngâm chung. Còn trong quá trình canh tác thì sử dụng toàn bộ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bằng hữu cơ theo từng thời điểm sinh trưởng của cây lúa”.
Điều khá thú vị và mang tính hiệu quả của việc sử dụng chất hữu cơ trong quá trình canh tác lúa của bà con ở HTX Tân Long là việc nông dân nơi đây pha trộn giữa sữa tươi với trứng gà sống để phun phòng ngừa dịch hại trên lúa. Theo lý giải của bà con, khi phun 2 hợp chất trên sẽ giúp lá lúa dày thêm nên sâu không cuốn được lá lúa. Ngoài ra, lá lúa to, dày còn dụ được nhiều thiên địch có lợi đến bảo vệ cây lúa, đồng thời giúp cây lúa hấp thu được nhiều chất diệp lục tố để phát triển.
Ông Châu Thanh Bạch, thành viên HTX Tân Long, thông tin: “Gia đình tôi có 5,2ha lúa áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng thì trong quá trình canh tác còn bảo vệ tốt sức khỏe cho người làm ra hạt lúa sạch vì không sử dụng hóa chất. Qua đây, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Bên cạnh lợi ích trên, mô hình sản xuất lúa sạch của HTX Tân Long còn làm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây. Cụ thể, tuy năng suất lúa sản xuất theo hình thức hữu cơ chỉ đạt trung bình từ 5,2-5,5 tấn/ha (ngoài mô hình đạt hơn 6 tấn/ha) nhưng bù lại, giá bán ra cao hơn từ 200-500 đồng/kg so với hộ dân ngoài mô hình. Đặc biệt, do sử dụng chất hữu cơ nên chi phí đầu tư cho 1ha lúa thường giảm được từ 7-8 triệu đồng so với canh tác ngoài mô hình. Như vậy, làm lúa theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm đã góp phần tăng giá trị cho hạt lúa thêm 2-2,5 lần so với hộ không áp dụng. Hiện tại, các giống lúa được thành viên HTX Tân Long sử dụng để canh tác là ST 24, ST 25, OM 18 và OM 5451. Toàn bộ sản lượng lúa của bà con xã viên đều được HTX Tân Long bao tiêu thu mua để xay xát, đóng gói và đem đi tiêu thụ tại thị trường trong, ngoài tỉnh.
Ông Huỳnh Quốc Khánh, hộ có 3ha lúa và là xã viên HTX Tân Long, cho hay: “Cơm nấu từ gạo được sản xuất theo quy trình hữu cơ có chất lượng thơm ngon, vị ngọt đậm đà, hạt cơm tơi xốp, để 2 ngày không bị oi thiu. Chính đặc tính riêng trên mà sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó tạo đầu ra rất thuận lợi, giá cả hấp dẫn cho nông dân”.
Sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện
Hiện nay, sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” đã có tem truy xuất nguồn gốc, đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu và HTX đang xin mã vạch sản phẩm. Đặc biệt, điều vinh dự hơn khi sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” vừa được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh thống nhất trình UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP. Đây là sản phẩm đầu tiên của huyện Vị Thủy được chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, cho biết thêm: Khi mới hình thành thương hiệu gạo sạch thì số lượng người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo sạch Vị Thủy chưa nhiều. Thế nhưng, từ khi được hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét và thống nhất công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP, đồng thời được giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng nên trong thời gian gần đây sản phẩm gạo sạch của HTX được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hiện tại, HTX nhận được nhiều lời đề nghị của một số công ty từ Hà Nội đặt hàng làm đại lý phân phối gạo sạch cho HTX. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh vùng ĐBSCL sau khi biết HTX có gạo sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm cũng gọi điện tìm đến mua sản phẩm. Qua đây cho thấy, khi được công nhận sản phẩm OCOP đã góp phần nâng tầm sản phẩm về thị trường tiêu thụ và giá trị hạt gạo cho HTX. Từ nhu cầu thị trường lớn, tới đây HTX tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ để tạo ra sản phẩm gạo sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường. Dự kiến trong vụ lúa Đông xuân sắp tới, diện tích lúa sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm được HTX liên kết đạt khoảng 1.200ha.
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho hay: Vị Thủy có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Vì vậy, thời gian qua, các ngành chức năng của huyện luôn quan tâm hỗ trợ và triển khai nhiều chương trình, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất. Trong đó, nổi bật là đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất lúa, nhất là khâu gieo cấy lúa; đồng thời tổ chức nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh và sản xuất lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm như HTX Tân Long đang thực hiện rất đạt hiệu quả và mang lại kinh tế cao cho người dân. Đặc biệt, từ mô hình sản xuất của HTX Tân Long đã giúp cho địa phương có được sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh đầu tiên của huyện. Tới đây, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” không ngừng phát triển. Ngoài ra, Vị Thủy cũng đang quan tâm, chăm bồi cho 3 sản phẩm có tiềm năng của huyện để tới đây tiếp tục đề nghị hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: gạo sạch của HTX Kiến Trung, nấm bào ngư và dưa hấu đạt chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Thuận Tây...
Báo Hậu Giang