"Gạo sạch Vị Thủy" đã và đang vươn xa

Từ việc áp dụng nghiêm các quy trình trong canh tác lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, Hợp tác xã (HTX) Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy đã xây dựng thành công thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” - đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” vươn xa hơn trên thị trường.


Ông Nguyễn Văn Thích (giữa), Phó Giám đốc HTX Tân Long, cùng thành viên HTX thăm đồng lúa hữu cơ. Ảnh: H.HIỆP

Mang tâm trạng của người làm ra hạt lúa gạo phải trông đợi vào thương lái thu mua cho mỗi vụ thu hoạch, khi sản phẩm làm ra được mùa thì mất giá, không có sự gắn kết bền chặt giữa người bán, người mua nên sau nhiều tháng học tập kinh nghiệm ở các nơi, thành viên HTX Tân Long đi đến thống nhất làm lúa/gạo sạch theo hướng hữu cơ để bán ra thị trường, không phải qua trung gian thương lái như trước.

Ban đầu, đơn vị này gieo sạ khoảng 1ha lúa hữu cơ (vụ Đông xuân 2018-2019) gắn với đăng ký thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy”, đến nay, HTX tăng diện tích canh tác gần 60ha. Đầu năm 2020, “Gạo sạch Vị Thủy” được công nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng 4 sao của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, chia sẻ: “Ngày xưa mình làm ra hạt lúa rồi mới tới tiêu thụ, bây giờ thị trường cần gì thì mình làm ra sản phẩm đó. Như vậy, chúng ta mới xây dựng được thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mình phải biết bán những gì thị trường cần, chứ đừng bán những gì mình có”.

 “Gạo sạch Vị Thủy” của HTX Tân Long làm ra tuy mới có mặt ngoài thị trường gần một năm nay nhưng được người tiêu dùng biết đến và rất ưa chuộng với 2 loại gạo chủ lực là ST24 và ST25. Mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường gần 20 tấn gạo được sản xuất theo hướng hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc và được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Hiện “Gạo sạch Vị Thủy” được gần 20 đơn vị thu mua bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chị Hồ Thị Thúy Ngọc, Chi nhánh phân phối “Gạo sạch Vị Thủy” ở thị trấn Nàng Mau, cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến sức khỏe cho nên khi giới thiệu về gạo sạch, an toàn, họ rất chú ý. Ai ăn cũng khen vì chất lượng của nó, nhất là mùi vị, vì có lẽ lâu lắm rồi người ta mới ăn được loại gạo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nói chung, bà con phản hồi rất là tích cực đối với loại gạo này”.

Hiện thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Dự kiến trong vụ lúa tới, HTX sẽ mở rộng diện tích lên đến 150ha, sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ cá để đất không tồn dư chất hóa học, tạo môi trường thân thiện. “Hướng tới, HTX sẽ làm kinh tế nông nghiệp chứ không sản xuất nông nghiệp như trước kia”, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, nói thêm.

Tại buổi tọa đàm “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống”, với chủ đề “Hậu Giang trong nhiệm kỳ 2020-2025” được tổ chức đầu tháng 11, lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo đánh giá cao “Gạo sạch Vị Thủy” là một trong những sản phẩm của tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh, tương lai sẽ vươn xa hơn nữa ra thị trường trong nước và thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu nhận định, giống lúa ST24 và ST25 từ Sóc Trăng, nhưng được trồng ở huyện Vị Thủy, sản xuất theo quy trình hữu cơ thì chất lượng và giá trị hạt gạo được nâng lên rất nhiều.

Vì vậy, ông Lê Tiến Châu mong muốn HTX phải kêu gọi càng nhiều thành viên tham gia càng tốt và hình thành những cánh đồng lớn, cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để làm sao giảm giá trị đầu vào, tăng giá trị đầu ra. “Chúng ta không chỉ là trồng lúa mà đây là kinh tế nông nghiệp, có thể kết hợp vừa trồng vừa nuôi. Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh có rất nhiều chính sách, sắp tới sẽ ban hành một đề án, trong đó có một nội dung là hỗ trợ HTX”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh.

Với hướng đi đúng đắn, làm ra hạt lúa/gạo hướng đến sức khỏe người tiêu dùng, các thành viên HTX Tân Long, cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với cây lúa và ứng dụng thành công hơn những tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất bền vững lúa gạo hữu cơ an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so trồng lúa truyền thống…

T.THỨC - H.HIỆP